Cách đòi lại đất nhờ người khác đứng tên sổ đỏ?
Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở nói trên thì bạn có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Hỏi: Tôi định cư tại Mỹ, trong nhiều năm tôi đã nhiều lần gửi tiền về Việt Nam (có biên nhận) mua đất và nhờ người em đứng tên sở hữu. Nay, tôi muốn bán nó đi nhưng cậu ấy không đồng ý.
Danh không chính, ngôn thì cũng không thuận, tôi phải làm những thủ tục pháp luật cụ thể gì để hoàn đòi lại chính mảnh đất mà tôi đã bỏ tiền thật ra để mua?
Xin cám ơn tư vấn của các bạn.
(Ngô Du)
– Trả lời:
Theo quy định tại Điều 126 Luật nhà ở (đã được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2009) thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b nói trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Điều 121 Luật đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2009) cũng quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở nói trên thì bạn có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên em bạn nên về nguyên tắc, nếu bạn muốn bán mảnh đất đó thì bạn có thể thỏa thuận với người em trai bạn để người này đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng mảnh đất đó rồi chuyển trả tiền cho bạn. Nếu bạn muốn tự mình bán mảnh đất và bạn thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất vừa nêu ở trên thì người em của bạn phải làm thủ tục chuyển nhượng (hoặc tặng cho) mảnh đất đó lại cho bạn, sau đó bạn mới được quyền định đoạt tài sản theo ý chí của mình.
Trong trường hợp người em không chịu làm thủ tục chuyển quyền sử dụng mảnh đất hoặc không chịu chuyển nhượng mảnh đất cho người thứ ba để trả tiền lại cho bạn, nếu không thỏa thuận được, bạn phải khởi kiện ra tòa án (cấp tỉnh, thành phố nơi có mảnh đất) để đề nghị tòa án giải quyết, buộc người em phải chuyển quyền sử dụng mảnh đất đó lại cho bạn.
Nếu bạn không thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất vừa nêu ở trên thì bạn chỉ có thể nhận số tiền chuyển nhượng mảnh đất đó và làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài. Khi khởi kiện ra tòa án, bạn cần xuất trình các chứng cứ về việc chuyển tiền về Việt Nam cho người em để tòa án xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Leave a Reply